Sân khấu kịch TP.HCM: “Thừa thắng xông lên”
VHO- Sân khấu kịch TP.HCM đã có một mùa diễn Tết thắng đậm. “Thừa thắng xông lên”, từ việc thay đổi hình thức biểu diễn đến làm mới kịch bản, đầu tư dàn dựng, đi về cơ sở… làng kịch TP đã, đang và sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để “giữ chân” khán giả trong năm 2023.
Sân khấu 5B đại thắng với kịch thiếu nhi
Bất ngờ thắng lớn
Sau khoảng thời gian im ắng vì dịch bệnh, thì mùa kịch Tết vừa qua như một bước đệm mới cho các sàn diễn kịch nói, khi liên tục sáng đèn cả trăm suất diễn phục vụ khán giả từ sáng đến tối khuya. Nổi bật là hai điểm diễn cháy vé từ trước Tết gần cả tháng là sân khấu kịch Idecaf và Thế giới trẻ. Có thể kể đến Thả thính mà hổng dính của Thế giới trẻ đã phải tăng 3 suất diễn trong dịp Tết, thậm chí, các suất diễn đều được bán hết vé VIP qua hệ thống trực tuyến từ trước đó. Chung niềm vui đó, tất cả vé của sân khấu kịch Idecaf cũng đã bán hết từ trước Tết và nhu cầu thưởng thức kịch Idecaf của khán giả vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Cùng với đó, các sân khấu lớn nhỏ trên địa bàn TP cũng tỏ ra không kém cạnh “đàn anh”. Như Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B đã sáng đèn liên tục 23 suất, trong đó, kịch người lớn đạt 80%, riêng các vở kịch thiếu nhi tạo sự bùng nổ đặc biệt với hầu hết suất diễn đều “cháy” vé. Thậm chí, nhiều khán giả phụ huynh đã đề nghị tăng cường thêm suất diễn, thế nhưng theo “bà bầu” Mỹ Uyên, lịch sáng đèn các ngày trong Tết đều đã chật kín. Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cũng đạt được doanh thu khả quan khi 15 suất diễn liên tục kín gần 90% số ghế.
Những điểm diễn mới cũng rất hút khách, điển hình như sự trở lại điểm diễn sân khấu Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận của NSND Hồng Vân trong mùa Tết này, với 15 suất sáng đèn được đông đảo khán giả ủng hộ. Hay điểm diễn mới của nghệ sĩ Minh Nhí cũng rộn ràng khi khán giả đến kín rạp mỗi suất. Bên cạnh đó, điểm diễn mới của Nhà hát Thanh niên tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM với 2 vở mới cũng phủ kín hơn 75% số ghế rạp hát.
So với nhiều năm trước, số lượng 12 vở diễn của năm nay vẫn chưa thể so sánh được với thời hoàng kim của kịch nói. Tuy nhiên, dạo quanh một vòng các sàn diễn, thì hầu hết đều được chăm chút nhiều hơn về chất lượng, trang phục, bối cảnh, diễn viên… Điểm chung của các vở diễn thành công mùa Tết này là việc chi “mạnh tay” của các ông bầu, bà bầu, cũng như độ táo bạo, dám dấn thân ở thể nghiệm mới của các sân khấu. Cùng với đó, về cơ sở vật chất từ ghế ngồi, sàn diễn, sảnh chờ đến cảnh trí cũng được đầu tư mới hoàn toàn để khán giả có trải nghiệm tốt nhất suốt buổi diễn. Điều quan trọng nhất tạo nên sự thành công cho mùa kịch Tết năm nay đó chính là kịch bản chất lượng, cách dàn dựng mới, chuyển tải được những câu chuyện, thông điệp nhân văn và có ý nghĩa đến với khán giả, cũng như sự nhạy bén của các sân khấu khi đáp ứng đủ những điều mà công chúng cần.
Chớp lấy cơ hội
Nhiều đại diện các sân khấu, nhà hát nhận định, 2023 là một năm đặc biệt khi các sân khấu cùng đón chung những tín hiệu vui. Thế nhưng, thay vì đứng yên chờ đợi “thời”, thì các ông, bà bầu đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội để sân khấu có thể “sáng đèn” suốt năm.
Theo ông bầu Idecaf Huỳnh Anh Tuấn, sau một mùa kịch Tết sôi động, sân khấu có thể sẽ trầm lắng trong những tháng tới, phải đến các dịp lễ 30.4, 1.5 và 2.9 thì mới có thể nhộn nhịp trở lại. Do đó, vào dịp hè, Idecaf dự kiến làm kịch thiếu nhi nhằm bù cho lượng khán giả người lớn. Đối với vấn đề vắng khán giả sau mùa kịch Tết, bà bầu Mỹ Uyên cho rằng đó là chuyện bình thường theo quy luật. Theo NSƯT Mỹ Uyên, phải tìm được kịch bản hay và theo xu hướng mới thì khán giả sẽ tiếp tục tìm đến với sân khấu. “Tôi cũng đã đo lường nhiều năm nay rồi, khán giả ít xem các tác phẩm văn học, kịch chính luận mà thay vào đó là các vở có nội dung nhẹ nhàng, thoải mái, vui tươi và có thông điệp sau một ngày làm việc mệt nhọc”, bà bầu sân khấu kịch 5B cho biết thêm.
Sau thành công từ mùa kịch Tết, các sân khấu sẽ tiếp tục phát huy, đầu tư vào những điểm mạnh của mình cũng như song song với công tác đào tạo nguồn nhân lực. Trong năm 2023, Kịch 5B ngoài việc củng cố và tiếp tục phát huy thành công từ chương trình sân khấu thiếu nhi và chùm hài kịch cũng sẽ tăng các suất diễn quảng bá, thử nghiệm qua phương thức xã hội hóa. Sân khấu Hoàng Thái Thanh ngoài việc tập trung cho mùa diễn tiếp theo cũng đã ký hợp đồng nhiều suất diễn chương trình văn học ngoại khóa cho các trường học. Đây là chương trình được Hoàng Thái Thanh duy trì, phát huy những năm qua và khá thành công. Với Idecaf, ngoài việc đặt hàng thực hiện một vở nhạc kịch cho khán giả tuổi “teen”, thì sẽ triển khai chương trình kịch lịch sử học đường trong năm 2023. Công tác đào tạo của sân khấu Hồng Vân cũng có những nét mới. NSND Hồng Vân cho biết sẽ chọn lọc khoảng 30 học viên nổi trội từ các lớp đào tạo diễn xuất nâng cao trước đây để tiếp tục đào tạo chuyên sâu và bồi dưỡng trở thành lực lượng hoạt động nòng cốt tại UEH Theatre. Cùng với UEH Theatre, những vở diễn của dòng kịch văn học nổi tiếng trước đây của sân khấu Hồng Vân cũng sẽ trở lại.
Rõ ràng, để giữ lửa nghề và giữ chân công chúng, sân khấu đã và đang đẩy mạnh tìm tòi những đường đi mới. Chính mùa kịch Tết là cơ hội tốt nhất để thăm dò nhu cầu của công chúng, từ đó các ông, bà bầu sẽ tạo dựng những kế hoạch cho đường dài. Việc giữ chân công chúng cũng không dễ, đòi hỏi người làm nghề phải dốc lòng chinh phục khán giả, song song với đó là kịch bản phải khiến họ rung động và đồng cảm. n
THẢO MY